Số lãi này của Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) vượt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt trên 17%.
Dư nợ tín dụng của nhà băng này đến cuối 2024 đạt 261.500 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 20% so với năm trước, ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn trung bình ngành. Tăng trưởng tín dụng tập trung vào nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Hết năm ngoái, tổng tài sản của nhà băng này vượt 418.000 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước và vượt kế hoạch 7%. Vốn điều lệ của TPBank tăng lên 26.420 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2%.
Về kết quả hoạt động kinh doanh, lãnh đạo ngân hàng cho biết cơ cấu lợi nhuận có sự chuyển dịch khi giảm lệ thuộc hoạt động tín dụng và tăng thu ngoài lãi. Thu nhập hoạt động của TPBank đạt hơn 18.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2023.
Trong đó, thu nhập lãi thuần từ dịch vụ tăng trưởng mạnh 48%, đạt hơn 3.360 tỷ đồng, chủ yếu nhờ mở rộng tệp khách hàng lên 14 triệu người, qua đó tăng thu được từ tài khoản, ngân hàng số. Trong cơ cấu thu từ dịch vụ, mảng bán chéo bảo hiểm cũng có cải thiện nhưng chưa quay lại cao điểm như giai đoạn 2021-2022. Biên lợi nhuận (NIM) của ngân hàng này dự kiến ở mức 3,6-3,7%, giảm nhẹ so với trước.
Năm nay, lãnh đạo TPBank dự kiến lãi suất huy động sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ, trong bối cảnh đồng sức mạnh USD chưa giảm, tạo áp lực lên tỷ giá. Lãi suất cho vay sẽ khó giảm nhưng trong xu hướng đi ngang, trước áp lực cạnh tranh đẩy mạnh tín dụng. Do đó, biên lợi nhuận của ngân hàng vẫn chịu áp lực và dự kiến đi ngang.
Trước đó trong khảo sát của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 12/2024, các nhà băng đánh giá tình hình kinh doanh và lợi nhuận ngành trong quý cuối năm ngoái có cải thiện so với trước. Cả năm 2024, các nhà băng đánh giá tình hình kinh doanh chưa đạt như kỳ vọng nhưng vẫn cải thiện so với 2023. Trong đó, gần 80% nhà băng ước tính lợi nhuận tăng trưởng so với 2023. 16% đơn vị ước tính lợi nhuận giảm và 5% dự báo đi ngang.
Quỳnh Trang