Thủ tướng yêu cầu trình khung pháp lý về tiền số trong tháng 3

08/04/2025
|
0 lượt xem
Kinh Doanh Vĩ Mô
Thủ tướng yêu cầu trình khung pháp lý về tiền số trong tháng 3

Đây là một nội dung trong Chỉ thị 05 về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành ngày 1/3.

Cụ thể, ông yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đề xuất, trình khung pháp lý quản lý, thúc đẩy phát triển tài sản số, tiền kỹ thuật số lành mạnh và hiệu quả. Nhiệm vụ này cần được hoàn thành trong tháng 3.

Các loại tiền số như Bitcoin, Ethereum... được coi là tài sản ảo phổ biến. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về tiền ảo và tài sản ảo. Các quy định hiện chỉ đề cập khái niệm tiền điện tử neo theo tiền pháp định, tồn tại dưới dạng thẻ trả trước ngân hàng, ví điện tử.

Đồng xu biểu tượng Bitcoin. Ảnh: Bảo Lâm

Việc thiếu khung pháp lý cho tài sản số khiến nhiều doanh nghiệp chọn Singapore, Mỹ đăng ký rồi về hoạt động ở Việt Nam, gây mất lợi thế cạnh tranh và thất thu thuế. Còn ở góc độ người dùng, việc thiếu minh bạch dẫn tới rủi ro trong giao dịch, theo giới chuyên môn. Do đó, việc sớm ban hành khung pháp lý để quy định định danh, phương pháp định giá tài sản số sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng thương mại, từ đó có tiền đầu tư.

Trước đó, tại buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương về mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Tổng Bí thư Tô Lâm nói Chính phủ cần nghiên cứu áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) để thành lập sàn giao dịch cho tài sản số. Hôm 27/2, Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Khoa học và Công nghệ xây dựng chính sách, quy định về tài sản số, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sand box). Các cơ quan này phải hoàn thành chậm nhất trong quý II.

Cũng theo Chỉ thị, Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt diễn biến lãi suất huy động, cho vay của các tổ chức tín dụng. Việc này nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với chi phí hợp lý, giúp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Cơ quan quản lý ngành ngân hàng phải tăng hiệu quả thanh kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt hoạt động của nhà băng, nhất là việc công bố công khai lãi suất huy động, cho vay, cấp tín dụng. Trường hợp các nhà băng vi phạm trong sử dụng lãi suất cho vay và huy động để cạnh tranh không lành mạnh, đúng quy định phải kịp thời xử lý nghiêm.

"Nghiêm cấm để các ngân hàng thương mại tự do tăng lãi suất không theo định hướng, cạnh tranh không lành mạnh, không bình đẳng", Chỉ thị nêu.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng được giao nghiên cứu nâng quy mô Chương trình cho vay với lâm sản, thủy sản lên khoảng 100.000 tỷ đồng, triển khai các gói tín dụng ưu đãi để thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế và cho người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở.

Giao dịch tại chi nhánh một ngân hàng ở Hà Nội, năm 2020. Ảnh: Thanh Tùng

Yêu cầu về kiểm soát lãi suất diễn ra sau khi Thủ tướng chỉ đạo thanh, kiểm tra các nhà băng tăng lãi huy động thời gian qua. Trước đó, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Thống đốc cần xem xét, quyết định sử dụng các công cụ quản lý về hạn mức tăng trưởng tín dụng và thu hồi giấy phép theo quy định.

Theo Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), nhóm ngân hàng quốc doanh có xu hướng duy trì lãi suất đi ngang theo định hướng hỗ trợ nền kinh tế. Còn nhóm nhà băng tư nhân, đặc biệt những đơn vị có mức độ phụ thuộc vào tiền gửi khách hàng và cơ cấu huy động vốn kém linh hoạt, chịu áp lực tăng nhẹ lãi suất để tăng huy động, thúc đẩy tín dụng. Trong đó, nhóm ngân hàng quy mô nhỏ có năng lực cạnh tranh thấp với tập khách hàng rủi ro cao và khả năng chi trả phục hồi chậm sẽ gặp khó khăn hơn trong việc mở rộng biên lợi nhuận, theo VCBS.

Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng từ 8% trở lên. Theo Thủ tướng, đây là nhiệm vụ thách thức nhưng phải hoàn thành, tạo đà cho mức tăng trưởng hai con số trong những năm tới.

Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trước ngày 15/3. Việc này để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, du lịch, tiêu dùng trong nước.

Cơ quan này sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết về các cơ chế, chính sách phát triển đột phá khu vực kinh tế tư nhân - động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh. Cùng với đó, họ phải tăng quản lý thu, triệt để tiết kiệm để tập trung cho đầu tư phát triển. Theo đó, các khoản chi thường xuyên phải được tiết kiệm ngay 10% so với 2024 để bổ sung đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm nay ít nhất 95% kế hoạch Thủ tướng giao, với tinh thần "lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút nguồn lực xã hội".

Việt Nam đặt mục tiêu tới cuối năm nay có ít nhất 3000 km đường cao tốc và trên 1000 km đường ven biển, cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện và đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài, khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu, hoàn thành các thủ tục đầu tư cảng biển quốc tế Cần Giờ, TP HCM.

Phương Dung - Viễn Thông

Tin liên quan
Tin Nổi bật