Ông Trump bất bình với năng lực đóng tàu chiến của Mỹ

15/01/2025
|
0 lượt xem
Quân Sự Thế Giới
Ông Trump bất bình với năng lực đóng tàu chiến của Mỹ

Trang Defense News ngày 14/1 dẫn báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cho biết hải quân nước này muốn nâng số lượng tàu chiến trong biên chế từ 296 hiện nay lên 381 vào năm 2054 để ứng phó các mối đe dọa ngày càng gia tăng trên toàn cầu.

Điều này đồng nghĩa hải quân Mỹ sẽ có thêm 85 chiến hạm mới trong 30 năm tới, với tổng chi phí bỏ ra khoảng 1.200 tỷ USD. Tuy nhiên, tham vọng này nhiều khả năng sẽ đối mặt với nhiều thách thức từ Tổng thống đắc cử Donald Trump, người sắp nhậm chức và có quan điểm cắt giảm các khoản đầu tư mà ông cho là "lãng phí" và tốn kém.

Trong cuộc phỏng vấn tuần trước với người dẫn chương trình bảo thủ Hugh Hewitt, ông Trump chỉ trích chương trình mua một lớp chiến hạm mới của hải quân Mỹ. Ông cho rằng việc giới chức quân sự trong chính quyền Tổng thống Joe Biden chỉnh sửa và thay đổi thiết kế của lớp tàu trên đã làm đội chi phí mua sắm.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại Washington hôm 9/1. Ảnh: AFP

"Tôi đã trao một hợp đồng tuyệt vời để chế tạo thứ không khác gì tàu khu trục. Chúng rất đẹp và sẽ làm tốt công việc của mình", ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn.

"Nhưng các vị tướng và đô đốc đã chen ngang và nói: 'Ồ, tại sao chúng ta không làm nó rộng hơn một chút? Tại sao không làm thế này, thế kia'", Tổng thống đắc cử Mỹ nói thêm. "Không may là họ thiếu thông minh và đã làm nó trở nên tệ đi, cũng như tốn thêm nhiều tiền hơn".

Ông Trump không nêu tên cụ thể, nhưng dường như đang đề cập đến chương trình mua sắm hộ vệ hạm lớp Constellation của hải quân Mỹ.

Chương trình phát triển hộ vệ hạm lớp Constellation bắt đầu vào tháng 7/2017. Mẫu tàu chiến mang tên lửa dẫn đường này có lượng giãn nước 6.700 tấn, được thiết kế trên cơ sở tàu hộ vệ đa năng châu Âu (FREMM) trong biên chế của hải quân Pháp và Italy.

Năm 2020, trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump tại Nhà Trắng, Lầu Năm Góc trao hợp đồng cho nhà thầu Fincantieri từ Italy để thiết kế và đóng tàu hộ vệ lớp Constellation.

Hộ vệ hạm là loại tàu chiến có chức năng tương tự khu trục hạm, song thường nhỏ và mang vũ khí nhẹ hơn. Cả hai đều được thiết kế để di chuyển nhanh chóng trên mặt nước để làm nhiệm vụ hộ tống, bảo vệ tàu khác khỏi các cuộc tấn công từ trên không, trên bộ và dưới nước.

Hải quân Mỹ không còn vận hành bất kỳ hộ vệ hạm nào kể từ khi các tàu cuối cùng thuộc lớp Oliver Hazard Perry bị loại biên vào năm 2015. Thay vào đó, lực lượng này chuyển sang đóng tàu chiến đấu ven biển (LCS), loại chiến hạm nhẹ và có khả năng thích ứng với nhiều vai trò khác nhau trong chiến tranh bất đối xứng ở vùng biển ven bờ.

Tuy nhiên, chương trình LCS đã gặp phải loạt vấn đề như chậm tiến độ, sai sót trong thiết kế và ngân sách ngày càng phình to, khiến hải quân Mỹ phải hủy bỏ và quay lại đóng tàu hộ vệ như truyền thống.

Washington có kế hoạch chi khoảng 22 tỷ USD để mua ít nhất 20 tàu lớp Constellation. Tuy nhiên, chương trình này cũng sớm gặp phải vấn đề, sau khi hải quân Mỹ quyết định sửa lại thiết kế ban đầu, kéo dài phần thân và chỉnh sửa phần mũi để có chỗ chứa thêm vũ khí cũng như đặt máy phát điện diesel lớn hơn. Quyết định này cũng khiến ngân sách dành cho chương trình bị đội lên.

Chiếc đầu tiên của tàu lớp Constellation được khởi đóng tại xưởng của công ty Fincantieri tại thành phố Marinette, bang Wisconsin của Mỹ vào tháng 8/2022, trước khi công đoạn thiết kế chi tiết được hoàn thành. Điều đó khiến dự án nhiều lần bị chậm tiến độ do cần phải điều chỉnh và sửa chữa dựa trên thiết kế cuối cùng.

Theo Viện nghiên cứu Hải quân Mỹ, tàu lớp Constellation ban đầu có mức độ tương đồng trong thiết kế lên tới 85% so với dòng FREMM, song con số này đã giảm xuống còn dưới 15% sau nhiều lần chỉnh sửa.

Thời điểm bàn giao tàu lớp Constellation đầu tiên được ấn định vào tháng 4/2026, song giờ có khả năng sẽ bị trì hoãn thêm ba năm. Điều này dự kiến khiến ngân sách cho chương trình bị đội lên khoảng 40%, trong đó chi phí đóng mỗi tàu sẽ tăng từ 1,2 lên 1,6 tỷ USD.

Một hộ vệ hạm lớp Oliver Hazard Perry quay về cảng San Diego, Mỹ năm 2013. Ảnh: Hải quân Mỹ

"Về mặt lý thuyết, tàu lớp Constellation đáng lẽ sẽ là sự tái sinh của tàu lớp Oliver Hazard Perry. Tuy nhiên, mọi thứ đã đi chệch hướng và Mỹ vẫn chưa thể sản xuất được con tàu như đã hình dung", Collin Koh, chuyên gia tại Trường nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam, Singapore, cho hay.

Timothy Heath, chuyên gia về quốc phòng quốc tế tại viện nghiên cứu RAND có trụ sở tại Mỹ, nhận định việc ông Trump chỉ trích tình trạng đội ngân sách của chương trình đóng tàu lớp Constellation cho thấy chính quyền mới muốn "các chương trình mua sắm vũ khí được thực hiện một cách hiệu quả và với chi phí thấp hơn".

Chuyên gia Koh cho rằng để làm được việc này, Mỹ có thể sẽ mời các đồng minh tham gia vào quá trình đóng tàu. Điều đó sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ bàn giao tàu hải quân, trong đó có lớp tàu Constellation, cho phép chúng được đưa vào biên chế nhanh hơn.

"Trong thế giới mà quy trình sản xuất đã được toàn cầu hóa, một quốc gia gần như không thể tự mình chế tạo hoàn toàn mọi linh kiện của một sản phẩm tinh vi như tàu khu trục. Các đồng minh và đối tác có thể chế tạo những thành phần quan trọng đó một cách hiệu quả và rẻ hơn", ông Heath nói.

Đây cũng là mục tiêu mà ông Trump, người muốn Mỹ có thể sở hữu nhiều tàu chiến hơn, hướng tới trong nhiệm kỳ hai.

"Chúng tôi cần tàu chiến. Theo như tôi biết, cứ 4 ngày Trung Quốc lại hoàn thành một con tàu mới, trong khi Mỹ chỉ ngồi nhìn", ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn với Hugh Hewitt.

Tổng thống đắc cử Mỹ nói Washington có thể mời các đồng minh tham gia hợp tác đóng tàu cho đến khi "sẵn sàng" làm điều này một mình. "Chúng tôi chưa chuẩn bị đủ để đóng tàu, thậm chí không có cả bến tàu", ông nhấn mạnh.

Theo Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc 2024 do Mỹ công bố tháng trước, Bắc Kinh là quốc gia sở hữu hạm đội tàu chiến lớn nhất thế giới xét về số lượng. Về lực lượng chiến đấu, hải quân nước này sở hữu hơn 370 tàu mặt nước và tàu ngầm, trong đó có khoảng 140 tàu mặt nước cỡ lớn.

Báo cáo nhận định Trung Quốc có khả năng đóng đủ số lượng tàu hải quân mà họ cần, bất kể bao nhiêu.

Tàu ngầm Iowa lớp Virginia tại xưởng đóng tàu ở thị trấn Groton, bang Connecticut hồi tháng 8/2023. Ảnh: GDEB

Trong khi đó, Mỹ đang gặp khó khăn trong chế tạo đủ số lượng chiến hạm cần thiết để thay thế đội tàu đang ngày càng già cỗi, khi chỉ có 4 xưởng đóng tàu nhà nước và số ít xưởng tư nhân, đồng thời đang gặp vấn đề về thiếu hụt lao động và chuỗi cung ứng.

Theo Yoon Suk-joon, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Quân sự Hàn Quốc có trụ sở tại Seoul, trong khi hải quân Mỹ hiện không có hộ vệ hạm nào đang hoạt động, Trung Quốc đang trong quá trình chế tạo và thử nghiệm một mẫu tàu chiến tàng hình thay thế dòng hộ vệ hạm lớp Giang Khải II, còn gọi là Type 054A.

Ông Trump tháng 4 năm ngoái cam kết sẽ nâng cao lực đóng tàu của hải quân Mỹ để có thể cạnh tranh với Trung Quốc. "Ngành công nghiệp đóng tàu Trung Quốc đang gửi đi một thông điệp chưa từng thấy", ông nói.

Ông Trump tháng trước đề cử John Phelan, doanh nhân kiêm nhà đầu tư, làm bộ trưởng hải quân trong chính quyền mới. Trong cuộc phỏng vấn với Hewitt, Tổng thống đắc cử ca ngợi Phelan là người "tuyệt vời" và "doanh nhân rất thành công".

Giới quan sát nhận định việc đề cử ông Phelan, người chưa có kinh nghiệm quân sự song rất giỏi về tài chính, cho thấy ông Trump đang ưu tiên cho mục tiêu nâng cao hiệu quả chi tiêu quốc phòng của hải quân Mỹ.

Phạm Giang (Theo Newsweek, Hugh Hewitt)

Tin liên quan
Tin Nổi bật