Trả lời:
Thịt nướng là món khoái khẩu của nhiều người. Tuy nhiên, đây là món mà người bệnh ung thư nên hạn chế. Bởi khi nướng thịt ở nhiệt độ cao, thịt cháy xém có thể tạo ra các chất gây ung thư hoặc làm nặng thêm các triệu chứng ung thư.
Nếu bạn nướng thịt trên bếp than, mỡ chảy xuống than nóng có thể tạo ra các hợp chất hydrocarbon thơm đa vòng (PAH). Một nhóm chất có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư, nhất là ung thư phổi và đường tiêu hóa. Khi nướng thịt trong lò, chất creatinine trong thịt chuyển thành các amin thơm dị vòng (HCA). Đây là các gốc oxy hóa làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, dạ dày, tụy, vú...
Thịt đỏ chứa nhiều chất béo bão hòa, khi chế biến ở nhiệt độ cao, có thể tạo ra các hợp chất gây viêm, làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể, thúc đẩy nhiều bệnh phát triển, trong đó có ung thư.
Trong quá trình điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị..., người bệnh thường gặp các tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, táo bón... Tiêu thụ thịt nướng có thể tác động tiêu cực đến hệ tiêu hóa đang nhạy cảm, khiến triệu chứng nặng hơn.
Bác sĩ Sỹ tư vấn cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bạn không cần kiêng hoàn toàn thịt nướng, nhưng nên tiêu thụ có chừng mực, chẳng hạn một lần mỗi tuần hoặc ít hơn. Kết hợp thịt nướng với nhiều rau củ và uống đủ nước có thể hỗ trợ tiêu hóa, giảm tác động tiêu cực của các hợp chất có hại. Thay vì ăn thịt nướng thường xuyên, bạn có thể ưu tiên các phương pháp chế biến lành mạnh hơn như hấp, luộc hoặc om. Nếu ăn thịt nướng, bạn nên kiểm soát nhiệt độ, tránh để lửa quá lớn, hạn chế nướng trực tiếp trên than, không ăn phần thịt bị cháy xém.
Chế độ ăn uống phù hợp hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng, ngăn ngừa nhiễm khuẩn, giảm tác dụng phụ. Nhờ đó, người bệnh hồi phục nhanh sau quá trình điều trị ung thư.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến SỹĐơn vị Ung Bướu Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp