Lô đất mua 12 triệu, bán 40 triệu một m2 nếu tăng phí chuyển thổ cư

29/12/2024
|
0 lượt xem
Thời Sự Ý Kiến
Lô đất mua 12 triệu, bán 40 triệu một m2 nếu tăng phí chuyển thổ cư

"Tôi có lô đất nông nghiệp đường TL 9 mua giá 12 triệu đồng một m2. Tôi dự tính chuyển lên thổ cư mất thêm 3 triệu đồng một m2 và sẽ bán giá 23-25 triệu đồng một m2. Nếu phí chuyển đổi sang thổ cư là 19,5 triệu đồng một m2 thì tôi sẽ bán giá 38-40 triệu đồng một m2. Phí tăng bao nhiêu thì người mua sẽ chịu hết".

Độc giả Trader cho biết dự tính như trên, đồng thời nêu quan điểm rằng nếu phí chuyển đổi đất nông nghiệp sang thổ cư tăng, người mua sẽ gánh. Bình luận này được viết sau bài Vì sao TP HCM muốn sớm có bảng giá đất điều chỉnh?.

Theo đó, bảng giá hiện hành quá thấp, một số tuyến đường chỉ 1-2 triệu mỗi m2, nhưng thực tế giao dịch tới 100-200 triệu, thành phố cần chỉnh lại để có bảng giá mới phù hợp nhất.

Độc giả hai.lafarge lo ngại: "TP HCM không nên áp dụng bảng giá BĐS điều chỉnh ngay mà nên đợi cả nước cùng áp dụng đồng bộ, vì nếu áp dụng thì có thể giá đất nhìn chung sẽ tăng theo, nhất là các tỉnh liền kề như Bình Dương, Đồng Nai...".

"Bảng giá đất tăng thì giá nhà đất và tất cả các loại thuế phí cũng tăng theo, chủ nhà lại tăng giá nhà trọ giá mặt bằng để bù vào. Cuối cùng người mua, thuê nhà sẽ gánh", độc giả dungqbcm.

Tuy nhiên, độc giả Crbay cho rằng "không dễ ăn" vì người bán cần phải có số vốn lớn để đóng phí chuyển đổi trước: "Trước mắt phải bỏ ra một số tiền lớn để chuyển đổi lên thổ cư rồi rao bán, mà giá cao quá thì khó bán. Thời ôm đất nông nghiệp giá rẻ để chuyển sang thổ cư bán giá cao ăn chênh lệch đã qua".

Cùng nhận định, độc giả gaubongvn16 cho rằng có thể tránh được tình trạng gom đất nông nghiệp giá rẻ rồi chuyển lên thổ cư, nhưng nhìn chung, giá đất vẫn sẽ tăng: "Đúng là có thể tránh được tình trạng là gom đất nông nghiệp với giá rẻ sau đó chuyển lên thổ cư thì giá trị miếng đất tăng phi mã.

Tuy nhiên khi ban hành giá như đề xuất thì giá ngay ban đầu đã cao chót vót và đặc điểm của BĐS là rất ít giảm giá, thì những người chưa có BĐS (chiếm phần lớn) sẽ càng khó có cơ hội mua.

Đặc biệt bảng giá theo đề xuất khiến các khu vực vùng ven, ngoại thành (vốn là nơi còn nhiều dư địa phát triển BĐS, định hướng giãn dân không tập trung ở nội đô) tăng giá theo cấp số".

Trong khi đó, độc giả hoanghuyle3666 đánh giá rằng giá đất đã cao sẵn và luôn có đà tăng, chẳng liên quan gì đến bảng giá mới:

"Thực tế, trên thị trường chẳng ai giao dịch theo bảng giá đất cũ mà còn cao hơn cái bảng giá đất điều chỉnh mới được công bố.

Vậy nên cơ bản, không công bố bảng giá này thì nhiều người cũng đã chẳng mua nổi nhà đất. Còn nhà đầu tư BĐS được tính giá đất trên phương pháp thặng dư, không phải áp dụng bảng giá đất này.

Vậy nên nói BĐS tăng giá 'ào ào' cũng ko đúng, và ở thành phố, ai cũng muốn mua nhà mà nguồn cung lại hạn chế nên giá phải tăng là điều đương nhiên".

Theo dự thảo bảng giá đất được Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM xây dựng, giá đất tại nhiều quận có thể tăng trung bình 5-10 lần. Thậm chí, một số địa phương thuộc khu vực ngoại thành và vùng ven dự kiến điều chỉnh 15-50 lần so với hiện tại. Tuy nhiên, Sở này cho biết giá tại dự thảo "chỉ bằng 70% mặt bằng thị trường".

Nếu được UBND thành phố thông qua, bảng giá đất điều chỉnh lần này sẽ được sử dụng đến hết 2025. Tuy nhiên, cuối năm nay cơ quan quản lý sẽ đánh giá lại để đảm bảo phù hợp tình hình kinh tế. Từ đầu năm 2026, thành phố sẽ áp dụng bảng giá đất hằng năm chung theo Luật đất đai.

*Bạn có đồng ý với những quan điểm trên? Gửi bài tại đây.

Hữu Nghị tổng hợp

Tin liên quan
Tin Nổi bật