Thông báo với hội viên, Fit24 thừa nhận quyết định này gây ra "bất tiện" và khẳng định đang "nỗ lực hết mình để khắc phục tình hình và sớm trở lại phục vụ".
Ông Lê Chí Trung, Giám đốc Fit24, cho biết chuỗi gặp khó trong kinh doanh do khách hàng siết chặt chi tiêu cho dịch vụ phòng tập trước bối cảnh kinh tế khó khăn. Đồng thời, thương hiệu đối mặt với cạnh tranh khốc liệt từ các chuỗi mới.
Tuy nhiên, ông cho biết hệ thống chưa đóng cửa hoàn toàn. "Tôi sẽ làm việc với các cổ đông để tìm ra phương án tối ưu nhằm đưa Fit24 trở lại hoạt động cũng như đảm bảo quyền lợi của hội viên", ông nói thêm.
Theo đuổi mô hình cao cấp, Fit24 mở phòng tập đầu tiên tại quận 7, TP HCM vào 2012. Đến năm 2022, chuỗi có 6 cơ sở tại TP HCM, sau đó giảm còn 5 trước khi dừng hoạt động. Không chỉ cung cấp không gian tập luyện với thiết bị hiện đại, chuỗi còn tổ chức nhiều lớp học như yoga, zumba, kickboxing.
Một lớp tập của Fit24 vào năm 2022. Ảnh: Fanpage Fit24
Một số hội viên đang luyện tập cho biết chưa nhận được thông tin chi tiết cách giải quyết quyền lợi sắp tới. Anh Chí An, người sở hữu gói tập luyện đến tháng 4/2025, nói chỉ biết tình hình khi Fit24 bất ngờ đăng thông báo dừng hoạt động trên fanpage của công ty. "Nhân viên chăm sóc hợp đồng của tôi cũng không biết gì thêm và khuyên chờ đợi", anh nói.
Fit24 tạm dừng vận hành là tín hiệu mới cho thấy thị trường phòng gym đang gặp nhiều khó khăn. Trước đó, một chuỗi phòng tập cao cấp khác là Getfit Gym & Yoga cũng đã đóng tất cả chi nhánh từ ngày 4/9 vì "những lý do bất khả kháng nằm ngoài tầm kiểm soát". Đến ngày 28/9, 2 trong 3 cơ sở mở trở lại sau khi cổ đông bơm thêm vốn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Phúc, Đồng sáng lập, Thành viên Hội đồng quản trị Getfit Holdings - đơn vị sở hữu Getfit Gym & Yoga - thừa nhận ngành dịch vụ phòng gym đang đối mặt với nhiều thách thức. "Nền kinh tế gặp không ít khó khăn và ngành gym cũng bị ảnh hưởng", ông nói.
Theo khảo sát của VnExpress, 2 năm trở lại đây, hầu hết thương hiệu phòng tập lớn đều thu hẹp hoặc không thay đổi số lượng câu lạc bộ, phần nào cho thấy thị trường đang chững lại. Chưa kể, cạnh tranh trong ngành ngày càng gay gắt về mạng lưới, giá cả và các hình thức mới.
Ngoài ra, với việc các phòng gym thu hẹp quy mô và đột ngột đóng cửa, thị trường có nguy cơ khó chồng khó trong kinh doanh, do đối mặt với rào cản tâm lý khi thuyết phục hội viên xuống tiền. Chị Thanh Thanh, quận 7, gần đây quyết định thuê huấn luyện viên cá nhân (PT) đến phòng gym tại chung cư để tập thay vì đến các chuỗi gym lớn. "Việc chi hàng chục triệu đồng mua các gói tập dài hạn trong lúc các thương hiệu lớn có thể bất ngờ thông báo đóng cửa là quá rủi ro", chị nói.
Anh Chí An cũng đang tìm hiểu một số thương hiệu chuỗi mới để tiếp tục luyện tập. Tuy nhiên, lần này, ngoài việc tìm hiểu về độ phủ của mạng lưới, chất lượng cơ sở vật chất và thái độ của PT, anh cho biết còn quan tâm đến tình hình kinh doanh của các thương hiệu để giảm bớt lo lắng.
Viễn Thông