Các xét nghiệm nên thực hiện trước khi kết hôn

29/12/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Mang Thai & Sinh Con Sản Phụ Khoa Sức Khỏe
Các xét nghiệm nên thực hiện trước khi kết hôn

Theo BS.CKI Lê Quang Hưng, Trung tâm Y học bào thai, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, xét nghiệm tiền hôn nhân đánh giá tình trạng sức khỏe của cặp đôi nhằm sàng lọc bất thường. Dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ tư vấn kế hoạch sinh sản, phòng tránh sinh con bị dị tật bẩm sinh hoặc mắc bệnh di truyền.

Công thức máu, nhóm máu

Xét nghiệm máu xác định nhóm máu hệ ABO và hệ Rhesus, đánh giá yếu tố Rhesus âm tính (Rh-) hay dương tính (Rh+). Nếu mẹ có nhóm máu Rh-, bố có nhóm máu Rh+, mang thai con Rh+, có thể xảy ra tình trạng bất đồng nhóm máu giữa mẹ và thai nhi, khiến cơ thể mẹ sản sinh kháng thể chống lại hồng cầu của con, gây bệnh lý tan máu, nguy cơ tử vong cho thai.

Xét nghiệm còn giúp phát hiện sớm các bệnh lý thiếu máu, thalassemia, hồng cầu hình liềm... có khả năng cao di truyền sang thai nhi. Phát hiện sớm các bệnh tiềm ẩn giúp bác sĩ tư vấn và có hướng xử trí kịp thời.

Phụ nữ trẻ khám sức khỏe tiền hôn nhân tại phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7. Ảnh minh họa: Tâm Anh

Chức năng gan, thận, tuyến giáp

Chức năng gan, thận, tuyến giáp ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của nam và nữ. Một số trường hợp không biết mắc bệnh cho đến khi mang thai. Những bệnh lý này làm tăng nguy cơ tiền sản giật với biến chứng nặng như thai chậm tăng trưởng trong tử cung, sảy thai, lưu thai, sinh non... thậm chí đe dọa tính mạng người mẹ.

Đánh giá hoạt động của gan, thận, tuyến giáp (AST, ALT, GGT, Ure, Glucose, Creatinin, TSH, FT3, FT4...)nhằm chuẩn bị tốt nhất cho việc mang thai, sinh con. Kiểm soát tình trạng bệnh trước thai kỳ giúp hạn chế biến chứng gây nguy hiểm cho thai phụ và thai nhi.

Bệnh truyền nhiễm

Rubella, viêm gan B, C, giang mai, HIV là những bệnh truyền nhiễm có thể lây từ mẹ sang con trong thai kỳ. Một số bệnh không có triệu chứng rõ ràng hoặc biểu hiện nhẹ, dễ nhầm với bệnh khác. Các bệnh này có thể gây dị tật bẩm sinh, sảy thai, lưu thai, sinh non nếu không phát hiện sớm thông qua các xét nghiệm chẩn đoán. Trẻ chào đời nguy cơ mang mầm bệnh tiềm ẩn, bị chậm phát triển, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, vận động.

Siêu âm tử cung phần phụ

Khảo sát cấu trúc, chức năng của tử cung, vòi trứng, buồng trứng nhằm phát hiện bất thường trong buồng trứng như u nang, polyp, vòi trứng bị tắc, tử cung vách ngăn, tử cung đôi... Siêu âm cũng sàng lọc bệnh phụ khoa như viêm nhiễm vùng chậu, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung. Từ đó, bác sĩ đánh giá khả năng mang thai, đưa ra phương án chữa trị phù hợp.

Tầm soát ung thư cổ tử cung

Cổ tử cung đảm nhận nhiều chức năng quan trọng liên quan đến sinh sản. Ung thư cổ tử cung phổ biến ở nữ giới, có khả năng gây vô sinh, hiếm muộn hoặc biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ. Tầm soát bệnh giúp phát hiện sớm tế bào bất thường, ngăn ngừa ung thư.

Ngọc Châu

Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật