Các hãng Đức phản đối châu Âu áp thuế xe điện từ Trung Quốc

31/12/2024
|
0 lượt xem
Chăm Sóc Xe Thế Giới Thị Trường
Các hãng Đức phản đối châu Âu áp thuế xe điện từ Trung Quốc

Mới đây, các nước ở Liên minh châu Âu đã bỏ phiếu áp thuế nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc, mức thuế này có thể lên đến 45%, kéo dài ít nhất 5 năm, hiệu lực từ 31/10. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ôtô hàng đầu tại Đức đã thúc giục Brussels và Bắc Kinh tránh áp thuế, nhằm tránh tác động xấu của xung đột thương mại leo thang đối với ngành ôtô.

Tesla Model 3 sản xuất tại nhà máy của hãng ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Cụ thể, mức thuế áp dụng đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc là 17% với BYD, 18,8% với Geely, 35,3% với SAIC, 20,7% với các công ty phương Tây sản xuất xe điện tại Trung Quốc như Volkswagen và BMW, riêng Tesla là 7,8%.

"Cuộc bỏ phiếu là một tín hiệu chí mạng đối với ngành công nghiệp ôtô châu Âu. Điều cần thiết bây giờ là giải pháp nhanh chóng giữa Ủy ban châu Âu và Trung Quốc để ngăn chặn một cuộc xung đột thương mại mà không ai được hưởng lợi", ông Oliver Zipse, CEO BMW, cho biết.

Nước Đức đã bỏ phiếu chống lại thuế quan, nhằm tìm cách duy trì mối quan hệ kinh doanh tốt đẹp với Trung Quốc - thị trường ôtô lớn nhất thế giới.

Theo các chuyên gia phân tích, các nhà sản xuất ôtô Đức sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp đối phó của Trung Quốc với việc áp thuế, vì dữ liệu thương mại cho thấy gần một phần ba doanh số bán hàng năm 2023 của các nhà sản xuất ôtô Đức đến từ Trung Quốc. Mặc dù hầu hết các loại xe được bán ở Trung Quốc đều được sản xuất tại địa phương, nhiều mẫu xe cao cấp vẫn được nhập khẩu từ Đức.

"Xung đột thương mại chỉ có kẻ thua cuộc", Hildegard Mueller, chủ tịch của tổ chức vận động hành lang ôtô Đức VDA, nhận xét.

Mercedes, gọi chủ tịch hai tập đoàn ôtô lớn của Trung Quốc bao gồm Zhang Jianyong (BAIC Group) và Li Shufu (Geely) là "hai trong những cổ đông lớn nhất", cho rằng mức thuế trên là một "sai lầm", đồng thời kêu gọi Ủy ban châu Âu hoãn việc thực hiện để có thể tiếp tục đàm phán thỏa thuận giữa hai bên.

Volkswagen, nhà sản xuất ôtô hàng đầu châu Âu và là chủ sở hữu phần lớn của Porsche, cũng kêu gọi cả hai bên tìm ra một "giải pháp chính trị", đồng thời nói thêm rằng thuế quan sẽ không làm cho ngành ôtô của châu Âu trở nên cạnh tranh hơn. Công ty cho rằng thỏa thuận vẫn có thể đạt được cho đến khi quyết định áp thuế cho xe Trung Quốc chính thức được áp dụng vào cuối tháng 10.

Trung Quốc đã phản đối kết quả bỏ phiếu trên, phát ngôn viên của Bộ Thương mại nước này cho rằng quyết định áp thuế là "vô lý và không công bằng". Theo Ủy ban châu Âu, thị phần xe điện sản xuất tại Trung Quốc đã tăng từ 3,9% vào năm 2020 lên 25% vào tháng 9/2023, với lý do được nêu ra là các công ty Trung Quốc bán rẻ nhờ được trợ cấp trong suốt chuỗi sản xuất.

Việc xe sản xuất tại Trung Quốc tăng trưởng nhanh ước tính khiến 2,5 triệu công nhân ngành ôtô và 10,3 triệu người khác có việc làm phụ thuộc gián tiếp vào sản xuất xe điện mất việc làm, ảnh hưởng khả năng sản xuất công nghệ xanh của EU.

Hồ Tân

Tin liên quan
Tin Nổi bật