Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết về những giải pháp để chấn chỉnh tình trạng người dân đưa tin giật gân, phản cảm, sai sự thật cũng như nhiều nội dung quảng cáo trái thuần phong mỹ tục, vi phạm bản quyền gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. "Giải pháp nào để nâng cao vai trò của báo chí, giảm tình trạng tiêu cực trên, thưa Bộ trưởng", bà chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi. Ảnh: MediaQuochoi
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng khi mạng xã hội ra đời đã "lấy mất nghề" của báo chí. Mạng xã hội đưa tin nhanh hơn, có hàng chục triệu "phóng viên" không mất tiền. Vì vậy, báo chí muốn giữ vững vị thế của mình thì cần làm khác mạng xã hội, quay về với giá trị cốt lõi của báo chí là tính xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình, đạo đức nghề nghiệp. Thay vì đưa tin, thì cần phân tích, đánh giá, đưa ra giải pháp, dẫn dắt, định hướng xã hội.
Bộ trưởng nhấn mạnh báo chí cần nâng cao chất lượng nội dung để thông tin mang tính chất dẫn dắt dư luận trên mạng xã hội. Đây là định hướng vai trò của báo chí cách mạng. Báo chí cần sử dụng công nghệ của mạng xã hội để làm báo, coi mạng xã hội là môi trường để xuất hiện. "Trên các nền tảng, mạng xã hội, các cơ quan báo chí cần xuất hiện để phổ cập tốt hơn", ông nói.
9h20 Thu thập thông tin cá nhân phải xin phép và bảo mậtTrưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Quốc Tuấn phản ánh việc quảng cáo trực tuyến thường dùng dữ liệu người dùng, không đảm bảo quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu cá nhân. Điều này gây ra lo ngại bảo mật khi sử dụng các dịch vụ hoặc truy cập các website. "Theo báo cáo, dữ liệu của người dùng bị đánh cắp đã tăng 50% so với năm ngoái gây bức xúc, vậy Bộ trưởng có giải pháp gì để chủ động phòng ngừa?", ông chất vấn.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: MediaQuochoi
Bộ trưởng cho biết lừa đảo trực tuyến nắm được nhiều thông tin khiến người dân cảm thấy như họ là người Nhà nước. "Câu chuyện thực tế là nhà nhà thu thập thông tin cá nhân, tôi đi thay kính cận cũng được hỏi tên, tuổi, địa chỉ, làm nghề gì", ông nói. Song những công ty nhỏ chưa hiểu biết pháp luật về thu thập thông tin phải xin phép, phải có hệ thống an toàn để không bị tấn công và phải có quy chế nội bộ để người khai thác trên hệ thống không mang đi bán, giao dịch với doanh nghiệp khác.
Luật An ninh mạng đã quy định trách nhiệm của người thu thập thông tin cá nhân phải bảo vệ dữ liệu, sử dụng đúng quy định pháp luật. Năm 2023, Bộ đã coi đây là trọng điểm, tổ chức nhiều đoàn thanh tra về sử dụng dữ liệu cá nhân, tập trung vào các nhà mạng viễn thông, công ty bưu chính, ngân hàng, mạng xã hội và trang thông tin để chấn chỉnh.
"Bộ đã công bố những sai sót để nhắc nhở doanh nghiệp thu thập thông tin phải thực hiện đúng quy định pháp luật, sắp tới sẽ nâng cấp Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân lên thành luật để trình Quốc hội", Bộ trưởng Hùng thông tin.
9h15 Xây dựng cơ chế đặc thù cho 6 cơ quan báo chí chủ lựcPhó ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị Bộ trưởng cho biết hướng đi để nâng cao chất lượng báo chí truyền thống và đảm bảo vai trò xung kích của báo chí trên mặt trận văn hóa tư tưởng, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với các nền tảng trực tuyến.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói "báo chí cách mạng thì cách mạng phải nuôi". Cách đây nhiều năm, khi kinh tế thị trường mới ở Việt Nam, các doanh nghiệp phải quảng cáo để bán hàng nên chi khá nhiều tiền cho quảng cáo và lúc đó chỉ có mỗi phương tiện là báo chí.
Dù mong muốn tự chủ và hoạt động linh hoạt hơn, các cơ quan báo chí truyền thống đang phải đối mặt với thách thức lớn khi nguồn thu từ quảng cáo trực tuyến bị mạng xã hội chiếm lĩnh. Điều này càng trở nên khó khăn hơn khi số lượng cơ quan báo chí ngày càng tăng (800) trong khi nguồn thu lại giảm sút.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: MediaQuochoi
Ông Hùng cho biết trong chỉ thị của Thủ tướng về truyền thông chính sách, Bộ, ngành địa phương phải coi truyền thông là việc của mình, phải có ngân sách hàng năm để thực hiện. "Trước đây ta cứ nghĩ đây là việc của báo chí, họ lấy tiền đâu thì không biết, không chi ngân sách cho việc đấy. Đây là việc cần thay đổi", ông nói.
Vì vậy, từ năm ngoái các cơ quan đã tăng ngân sách cho báo chí. Khi sửa Luật Báo chí sắp tới, Bộ sẽ có một mục nói về kinh tế báo chí, cho phép cơ quan báo chí lớn được kinh doanh nội dung, lĩnh vực truyền thông.
Bộ trưởng cho rằng nếu báo chí chạy theo mạng xã hội sẽ đứng ở phía sau. Vì vậy ông mong muốn báo chí phải có cách làm khác biệt là quay lại giá trị cốt lõi, dùng công nghệ số, lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả, thu hút quảng cáo.
"Trong quy hoạch báo chí có nội dung Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông, tạo điều kiện, cơ chế đặc biệt cho họ. Tôi rất mong Quốc hội ủng hộ giao Chính phủ xây dựng cơ chế đặc thù cho các cơ quan báo chí chủ lực", ông Hùng nói.
9h10Dừng công nghệ 2G, nhà mạng sẽ hỗ trợ cho người dân
Đại biểu Phạm Thị Kiều đặt ra câu hỏi về việc triển khai xóa mạng 2G trong bối cảnh hạ tầng viễn thông ở các vùng đồng bào dân tộc còn nhiều hạn chế. Bà cho rằng, việc khuyến khích người dân sử dụng điện thoại thông minh là xu hướng tất yếu, tuy nhiên cần có những giải pháp cụ thể để đảm bảo việc cung cấp dịch vụ viễn thông ổn định, đặc biệt là sau các sự cố thiên tai như bão lũ.
Đại biểu Phạm Thị Kiều. Ảnh: Meila Quốc hội
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Việt Nam có 24 năm sử dụng công nghệ 2G, khi dưới 2% người dùng sẽ dừng công nghệ này và nhà mạng phải hỗ trợ cho người dân. Nhờ truyền thông tốt nên khi dừng công nghệ 2G chỉ còn khoảng 0,2% người dùng (hơn 200.000 máy) nên việc bù cho dân đối với các nhà mạng khá nhẹ nhàng.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, dù trong các tình huống khẩn cấp như bão lũ, các trung tâm huyện vẫn sẽ được đảm bảo kết nối thông tin, phủ sóng, phục vụ công tác cứu hộ, cứu trợ. Bộ đã áp dụng mô hình này ở miền Trung và sẽ nhân rộng ra toàn quốc.
9h05 Tăng cường truyền thông chính sáchĐại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp để có sự cạnh tranh lành mạnh giữa quảng cáo mạng và thông tin truyền thống?
Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: MediaQuochoi
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết hiện nay khoảng 80% quảng cáo trực tuyến thực hiện trên mạng xã hội. Năm 2023, Thủ tướng đã ra một chỉ thị về truyền thông chính sách, yêu cầu các cấp hàng năm đặt hàng báo chí để thông tin truyền thông về chính sách. Đây là một nguồn thu cho báo chí. Tuy nhiên ông cho rằng bản thân báo chí cũng phải thay đổi để cạnh tranh với mạng xã hội về chuyển đổi số.
8h55 Nền tảng mạng xã hội có trách nhiệm rà quét tin giảĐại biểu Nguyễn Duy Thanh (Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cà Mau) chỉ ra rằng sự bùng nổ của mạng xã hội đã kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực, trong đó đáng chú ý là tình trạng tin giả, tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận và tác động xấu đến xã hội. Ông đề nghị Bộ trưởng có giải pháp ngăn chặn tình trạng này.
Đại biểu tại phiên chất vấn sáng 12/11. Ảnh: MediaQuochoi
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định việc quản lý thông tin trên mạng xã hội là một thách thức chung của toàn cầu. Việt Nam đang tích cực hoàn thiện khung pháp lý để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Trước đây quy định xử lý cá nhân sử dụng mạng xã hội đưa thông tin sai sự thật, nhưng mới đây đã có nghị định xử lý các nền tảng mạng xã hội khi vi phạm luật pháp Việt Nam.
Ông nhấn mạnh trách nhiệm lớn của các nền tảng mạng xã hội trong việc tự chủ quản lý nội dung, đảm bảo thông tin chính xác và lành mạnh được lan tỏa. "Họ có không gian riêng, có thuê bao riêng lên tới hàng trăm triệu đến hàng tỷ người dùng. nên phải có trách nhiệm rà quét, phát hiện tự động gỡ bỏ thông tin xấu độc", Bộ trưởng nói.
Ông cho rằng con người đã sống trong thế giới thực hàng chục nghìn năm nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, nên không gian số mới được 10-20 năm còn mới lạ với nhiều người, việc thích nghi cần thời gian. Vì vậy, ông nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường công tác truyền thông và giáo dục để giúp người dân đề kháng trên không gian số, nâng cao kỹ năng nhận biết và phòng tránh thông tin sai lệch. Khi người dân bị ảnh hưởng bởi tin sai có thể liên hệ với Trung tâm Tin giả quốc gia và cấp địa phương để phản ánh và đề nghị giúp đỡ.
8h4594 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên chất vấn. Ảnh: MediaQuochoi
8h40 Cách mạng chuyển đổi số 'nhất định sẽ thành công'Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông là ngành đa lĩnh vực, vừa hạ tầng, vừa kỹ thuật công nghệ, vừa kinh tế, vừa chính trị nhưng đều liên quan đến kỹ thuật số. Đó là hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số, quản lý nhà nước về báo chí phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, thông tin cơ sở, xuất bản, in và phát hành. Bởi vậy nhiều người gọi Bộ Thông tin và Truyền thông là Bộ hạ tầng số, Bộ chuyển đổi số.
Ông cho biết ngành Thông tin và Truyền thông hiện có doanh thu hàng năm 150 tỷ USD, bằng 1/3 GDP của đất nước; tăng trưởng luôn cao hơn hai lần tăng trưởng GDP. Thời gian qua, Bộ Thông tin truyền thông đã tăng cường phổ cập, nâng cao hạ tầng số tại các vùng sâu vùng xa.
"Chúng tôi coi những tồn tại, hạn chế là động lực phát triển ngành. Đất nước ta đang đứng trước vận hội mới, vừa là thời cơ, vừa thách thức nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, sự chung sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, của toàn hệ thống chính trị, chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công cách mạng chuyển đổi số, đưa đất nước, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: MediaQuochoi
Có 3 nội dung mới cập nhật