Trang, 25 tuổi, ở Hà Nội cho biết hoàn toàn mất liên lạc với bố mẹ từ đầu giờ chiều 7/9. Gia đình cô ở Hạ Long (Quảng Ninh) và hàng xóm đều ảnh hưởng lớn do bão. Nhà nào cũng bị lật hết mái, cây đổ nghiêng ngả đè, chắn lối đi.
"Cả nhà tôi giờ đang tập trung vào một phòng để trú ẩn, chứ giờ không biết chạy đi đâu", cô nói.
Một nhà dân ở TP Hạ Long tốc mái ngói trong bão Yagi. Ảnh: Thanh Huyền
Mất liên lạc với bố mẹ ở phường Cao Thắng, TP Hạ Long từ 14h, chị Ngọc Hà ruột nóng như lửa đốt. "Trong lúc không liên lạc được thì tôi nhận được tin nhắn của mẹ 'Gió to lắm'. Gọi lại ngay lập tức cũng không được", Ngọc Hà, 36 tuổi, sống ở Hà Nội cho biết.
Bố chị năm nay đã 82, mẹ 79 tuổi. Ông bà sống với nhau trong ngôi nhà cấp 4. Hà đang định đợt này về làm lại mái nhà nhưng chưa kịp thì bão Yagi đến. "Giờ tôi rất lo mái nhà bay mất, không biết bố mẹ sẽ ra sao", Hà nói.
Từ đầu giờ chiều tới nay Hà liên tục gọi điện và nhắn tin trên các mạng xã hội, liên lạc với chị gái ở cách nhà 4 km và họ hàng, thông gia nhưng đều không liên lạc được. Nhìn thấy bài viết người quen ở quê chia sẻ ảnh tốc mái, vỡ kính càng khiến cô lo sợ.
Gần 17h, cô kết nối được với một người hàng xóm nên biết tin mạng di động Viettel ở đây đang mất tín hiệu và mưa gió rất lớn nên chưa sang xem giúp được. "Tôi trấn an bản thân và nghĩ mình cần lạc quan nhưng thật khó thời điểm này", người con út trong một gia đình có hai anh chị em cho hay.
Cũng như Quảng Ninh, Hải Phòng cũng đang mất điện, mất mạng di động. Chị Ngọc Thư, 33 tuổi, ở Hà Nội không liên lạc được với chồng đang công tác ở đây sau tin nhắn "Mái tôn bay hết rồi", "Ở đây đang căng lắm", trưa 7/9.
Chị Thư nói lần đầu rơi vào hoàn cảnh có người thân ở tâm bão, bản thân bất lực vì không thể giúp gì, không biết liên lạc với ai.
Phương Ly liên tục gọi điện và kiểm tra camera ở nhà tại đảo Cát Bà, Hải Phòng, chiều 7/9. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sau cuộc gọi về nhà ở huyện đảo Cát Hải, cách trung tâm thành phố Hải Phòng 60 km lúc 11h sáng 7/9, Phương Ly không thể liên lạc với bố mẹ. Camera ở sân và phòng khách đều mất tín hiệu vì bị cắt điện, điện thoại lúc đổ chuông nhưng sau đó mất sóng càng khiến cô căng thẳng.
"Có lẽ do bão đổ bộ khiến đường truyền bị ảnh hưởng, hoặc hết pin chứ tôi không dám nghĩ đến những tình huống xấu hơn", Ly nói.
Cô cũng thử liên lạc với người họ hàng ở cách 2 km để hỏi thăm tình hình, nhưng do gió lốc và mưa kéo dài, không ai dám ra đường. Đến nay Ly vẫn không biết bố mẹ ở nhà ra sao. "Chưa gọi được tôi chưa thể an tâm bởi bố mẹ ở huyện đảo, hàng xóm cách nhau xa, nếu có vấn đề gì không biết nương tựa vào đâu", cô nói.
Theo kỹ thuật viên từ một nhà mạng di động, bão Yagi diễn ra với cường độ gió mạnh, khó lường, nên một số trạm thu phát sóng gặp sự cố, đổ trạm dẫn đến việc mất kết nối hoặc kết nối chập chờn. Ngoài ra, trong bối cảnh một số nơi bị cắt điện, người dùng không có kết nối wifi phải chuyển sang mạng di động 3G, 4G, dẫn tới nghẽn mạng cục bộ.
MobiFone cho biết đã hỗ trợ thuê bao trong mạng có thể sử dụng chung sóng của nhà mạng khác. Người dùng chỉ cần điều chỉnh cài đặt Lựa chọn mạng (Network Selection) sang chế độ tự động để tiếp sóng nhà mạng phù hợp, giúp không bị gián đoạn.
Nhà mạng Viettel xác nhận, từ 6/9 đã bố trí hơn 6.500 nhân sự tại các vị trí nhà trạm đến từng huyện ở 14 tỉnh miền Bắc để sẵn sàng khắc phục sự cố do bão, điều động thêm 117 đội ứng cứu thông tin đến các tỉnh dự kiến bị ảnh trưởng trực tiếp bởi bão Yagi là Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh và tiếp tục bổ sung 300 đội những ngày tới.
Dương Quỳnh Nga