Bằng chứng mới về đại dương cổ đại trên sao Hỏa

31/12/2024
|
0 lượt xem
Khoa Học Tin Tức
Bằng chứng mới về đại dương cổ đại trên sao Hỏa

Robot Chúc Dung đang hoạt động trên sao Hỏa. Ảnh: Science Alert

Giả thuyết một đại dương từng bao phủ 1/3 bề mặt hành tinh đỏ cách đây hàng tỷ năm là vấn đề gây tranh cãi trong giới khoa học suốt hàng thập kỷ. Năm 2021, robot tự hành Chúc Dung của Trung Quốc hạ cánh ở vùng đồng bằng thuộc khu vực Utopia ở bắc bán cầu của sao Hỏa, nơi các nhà nghiên cứu phát hiện nhiều dấu hiệu của nước cổ đại trước đó. Robot này đã thăm dò bề mặt hành tinh kể từ sau đó và nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Scientific Reports hé lộ một số phát hiện từ nhiệm vụ, AFP hôm 7/11 đưa tin.

Trưởng nhóm nghiên cứu là Bo Wu ở Đại học Bách khoa Hong Kong cho biết họ tìm thấy nhiều đặc điểm của một đại dương trong quá khứ ở quanh khu vực Chúc Dung hạ cánh, bao gồm hố hình phễu, rãnh nhiều cạnh và đường gấp khúc. Nghiên cứu trước đây chỉ ra những hố hình phễu có thể đến từ núi lửa bùn, thường hình thành ở khu vực có nước hoặc băng.

Thông tin từ robot tự hành cũng như dữ liệu vệ tinh và kết quả phân tích hé lộ một đường ven bờ từng tồn tại gần đó. Nhóm nghiên cứu ước tính đại dương được tạo ra bởi quá trình ngập lụt gần 3,7 tỷ năm trước. Sau đó, đại dương đóng băng, làm mòn đường ven bờ trước khi biến mất cách đây hơn 3,4 tỷ năm. Theo Bo, để có thể kết luận chắc chắn, cần một nhiệm vụ mang mẫu vật đá sao Hỏa về Trái Đất để xem xét kỹ hơn.

Benjamin Cardenas ở Đại học Pennsylvania, Mỹ, nhà khoa học từng phân tích các bằng chứng khác về đại dương trên sao Hỏa cho rằng nhóm của Bo chưa xem xét đầy đủ tác động của gió mạnh trên sao Hỏa thổi qua trầm tích và phong hóa đá trong hàng tỷ năm qua. "Chúng ta thường cho rằng sao Hỏa có ít hoạt động như Mặt Trăng nhưng nó vẫn còn hoạt động", Cardenas nói. Theo ông, nghiên cứu dựa trên mô hình chứng minh ngay cả tốc độ xói mòn chậm trên sao Hỏa cũng sẽ phá hủy dấu hiệu của đường bờ biển sau thời gian dài như vậy.

Cardenas nhấn mạnh việc phát hiện đại dương trên sao Hỏa giúp giải đáp liệu Trái Đất có phải hành tinh đơn độc có thể chứa sự sống trong hệ Mặt Trời hay không. "Nhiều nhà khoa học cho rằng sự sống trên Trái Đất xuất hiện dưới đại dương, nơi khí nóng và khoáng chất từ gần mặt đất phun lên mặt biển, hoặc ở gần nơi giao nhau giữa mặt nước và không khí, trong những vũng thủy triều nhỏ. Vì vậy, bằng chứng về đại dương khiến hành tinh dường như phù hợp với sự sống hơn", Cardenas cho biết.

An Khang (Theo Science Alert)

Tin liên quan
Tin Nổi bật