"Mọi cuộc đàm phán cần diễn ra vô điều kiện và bình đẳng. Chúng tôi ủng hộ nền hòa bình công bằng, lâu dài và dựa trên luật pháp quốc tế, đồng thời sẵn sàng làm nơi tổ chức các cuộc hòa đàm với tư cách chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE)", Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho biết hôm 5/9.
Ông Nehammer nêu đề xuất về hòa đàm Nga - Ukraine trùng dịp kỷ niệm 10 năm OSCE làm trung gian đàm phán cho thỏa thuận Minsk, trong đó vạch ra lộ trình chấm dứt xung đột giữa Kiev và hai tỉnh ly khai ở vùng Donbass. Nga trên lý thuyết vẫn là thành viên OSCE, dù đã tạm ngưng mọi hoạt động trong khuôn khổ hội đồng nghị viện của tổ chức này từ tháng 7.
Những bất cập, vi phạm của các bên trong thực thi thỏa thuận Minsk được xem là một trong những nguyên nhân châm ngòi chiến sự Nga - Ukraine năm 2022. Cựu thủ tướng Đức Angela Merkel từng thừa nhận thỏa thuận Minsk năm 2014 thực chất đã giúp Ukraine có thêm thời gian chuẩn bị cho xung đột với Nga.
Lãnh đạo Nga và Ukraine chưa phản hồi về đề xuất của Thủ tướng Áo Nehammer.
Thủ tướng Áo Karl Nehammer trả lời họp báo ngày 8/8 tại Vienna. Ảnh: AFP
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó tuyên bố Moskva "chưa bao giờ từ chối đàm phán" với Kiev. Ông nói rằng Ukraine tự rút khỏi bàn đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2022, do đó mọi nỗ lực hòa đàm cần dựa trên những văn kiện từng được hai phía trao đổi.
Tổng thống Putin bổ sung rằng Nga sẵn sàng đối thoại với "đại diện hợp pháp" của Ukraine, đồng thời ủng hộ Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ làm trung gian đàm phán vì lãnh đạo những nước này "chân thành mong muốn thấu hiểu tình hình".
Nga - Ukraine hồi tháng 3/2022 tiến hành đàm phán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm chấm dứt chiến sự. Truyền thông Mỹ tiết lộ Kiev đã đồng ý không yêu cầu Moskva rút quân khỏi bán đảo Crimea ở giai đoạn một của tiến trình hòa bình. Tổng thống Putin và người đồng cấp Zelensky cũng dự kiến đàm phán trực tiếp về các vùng lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát trong giai đoạn hai.
Hai bên dường như đã đạt được dự thảo thỏa thuận, nhưng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky quyết định chấm dứt đàm phán sau khi lực lượng Nga bị cáo buộc gây ra "thảm sát" ở thị trấn Bucha, ngoại ô Kiev. Theo dự thảo thỏa thuận được Tổng thống Putin công khai sau đó, Nga đồng ý rút quân với điều kiện Ukraine phải tự hạn chế năng lực quốc phòng.
Thanh Danh (Theo RT, Kyiv Independent, Ukrainska Pravda)